gia nhu anh biet
... Đó là cái mốc để từ đó tôi không khó chịu khi vào giờ ra chơi, anh đến ngồi bên cạnh, lân la “tán” đủ thứ chuyện, hết mây trời, nắng gió đến bàn bạc, thảo luận một truyện ngắn vừa đọc. Tôi thấy anh không “chảnh”, thật sự thông minh và hài hước nên bắt đầu nhìn anh bớt dần vẻ xa cách.
- Đưa cặp đây mình mang vô lớp cho!
Không cần nhìn, tôi cũng biết đó là anh. Cái giọng quen thuộc và hết sức ân cần này thường xuất hiện bên cạnh, không làm tôi bất ngờ nhưng cũng không hề dễ chịu. Tôi ngước lên, khẽ cau mày, né người sang một bên:
- Cám ơn bạn! Mình không cần!
Anh vẫn đứng đó, chần chừ, chờ tôi thay đổi ý kiến. Tan học, khi tôi đang loay hoay tìm cách lấy cái xe đạp một cách khó khăn, anh làm như vô tình đi ngang qua:
- Chờ đấy, mình sẽ giúp!
Tôi ngó lơ như không nghe thấy. Anh tủm tỉm cười, nhắc lại lời đề nghị. Tôi ngước nhìn với khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, lắc đầu:
- Cảm ơn bạn! Mình tự làm được!
Lời đề nghị của anh thật đúng lúc và hết sức cần thiết. Nhưng đáp lại chỉ là sự từ chối lạnh lẽo từ phía tôi. Những lúc đó, nếu ngước lên, tôi sẽ nhận ra vẻ ưu tư trên mặt anh. Đó là sự pha trộn giữa sự thương xót và nỗi bực mình: Vì sao cô ấy (là tôi) lại có thể xử sự như vậy?
Tôi là một đứa trẻ không may mắn. Hai tuổi, một cơn sốt quái ác đã khiến chân phải của tôi bị liệt. Từ đó, thay vì chạy nhảy, vui đùa như những đứa trẻ khác, sau rất nhiều cố gắng, tôi cũng chỉ có thể bước những bước dẹo dọ.
Song, tôi lại có một khuôn mặt khá xinh đẹp. Với những cô gái khác, đó là một ân huệ của tạo hóa. Nhưng với tôi, điều ấy giống như một sự mỉa mai. Ngay từ nhỏ, tôi đã thường xuyên chứng kiến ánh mắt xót xa và những cái chép miệng: “Tội nghiệp, con bé xinh thế mà tàn tật!”.
Hồi đó, tôi không để ý. Lớn lên, ý thức được hoàn cảnh của mình, tôi lại cho rằng, giá như tôi không xinh đẹp thì có lẽ tốt hơn. Những ánh mắt nhìn sẽ bớt đi vẻ thương xót.
Bù lại, tôi có một người mẹ tuyệt vời. Mẹ nói, tôi sướng hơn rất nhiều những đứa trẻ tàn tật khác. Bị liệt nhưng ít ra tôi đi lại được, dù chỉ là kiểu chấm phẩy. Mẹ còn nói, tôi có hai tay lành lặn và một cái đầu khỏe mạnh. Bằng mọi giá, tôi phải tỏ ra không thua kém mọi người.
Nghe lời mẹ, tôi tự làm tất cả mọi việc như một người bình thường. Trong lớp, tôi luôn trong tốp đứng đầu. Tôi cũng quen dần với những ánh mắt thương hại hay những lời trêu chọc ác ý. Tôi tự hứa sẽ làm mọi việc mà không phải nhờ vả bất kỳ ai khi có thể.
Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng để không nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, trong đó có anh, con trai một chủ cửa hàng điện máy lớn nhất thị trấn. Tuy vậy, anh thường tỏ ra quan tâm đến tôi một cách đặc biệt. Song, đáp lại, tôi luôn tỏ ra hờ hững đến lạnh nhạt. Thậm chí đôi khi bất lịch sự khiến anh “quê” trước mặt mọi người.
Đơn giản vì tôi không thích anh, mặc dù tôi thấy trong đôi mắt nâu trong veo của anh sự chân thật và dịu dàng, niềm thông cảm và sự che chở chứ không có lòng thương hại. Nhưng tôi không thích cái cách bọn con gái cứ bu quanh anh hàng đàn. Đôi khi tôi cũng tự nhủ là anh không có lỗi. Nhưng tôi không muốn là người thứ n+1 bám vào anh. Song, sự lạnh lùng của tôi không làm anh tự ái.
Một hôm, khi tôi đang ngồi bên cửa sổ nhìn các bạn đá cầu ngoài sân với ánh mắt thèm khát, anh đến bên cạnh: “Thanh Trâm! Mình có cái này tặng bạn!”. Tôi không quay lại: “Cám ơn Quang! Nhưng mình không nhận đâu! Quang hãy tặng cho Yến Nhi hay Bích Thảo ấy. Hoặc Thu Hà hay Lan Ngọc cũng được!”.
Tôi còn định “liệt kê” thêm danh sách các fan của anh nhưng chợt ngưng bặt bởi tiếng cười khúc khích: “Này! Rồi Trâm sẽ tiếc đấy! Đã biết cái gì chưa mà Trâm từ chối?”. Tôi nhún vai, thờ ơ. Nếu không phải cặp tóc thì chắc chắn là một chú thỏ bông có hai cái tai dài phe phẩy.
“Nào! Hãy xem cái gì chứ!”. Anh vẫn kiên nhẫn đứng bên cạnh. Tôi đành rời mắt khỏi cửa sổ. Trên tay anh là một cuốn sách mới cứng: “Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư”. Tôi đưa hai tay đón lấy, không giấu được niềm vui sướng: “Ôi! Mình cám ơn bạn! Thật là một món quà quí giá!”.
Đó là những lời nói thật. Tôi rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Chỉ trong một đêm, tôi “ngốn ngấu” xong “Cánh đồng bất tận” để sáng hôm sau trả lại đứa bạn một cách luyến tiếc. Tôi rất mê sách. Nhưng với tôi, mua sách là một điều xa xỉ, nằm ngoài khả năng tài chính hạn hẹp của tôi và mẹ.
Anh khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh: “Mình biết là Trâm sẽ thích!”. Tôi mân mê tờ bìa láng bóng, tròn mắt nhìn anh: “Sao Quang biết?”. Anh cười: “Nhiều lần, mình thấy Trâm coi sách cọp trong siêu thị sách!”. “A! Thì ra hắn theo dõi mình”. Sự hằn học trong mắt tôi hình như nói lên điều ấy.
Anh ngượng nghịu: “Không phải! Chỉ là vì mình giống Trâm, cũng rất thích sách...”. Lòng tôi dịu lại. Tôi mỉm cười: “Quang khỏi cần tặng! Chỉ cần thỉnh thoảng cho mượn coi là được!”.
Đó là cái mốc để từ đó tôi không khó chịu khi vào giờ ra chơi, anh đến ngồi bên cạnh, lân la “tán” đủ thứ chuyện, hết mây trời, nắng gió đến bàn bạc, thảo luận một truyện ngắn vừa đọc. Tôi thấy anh không “chảnh”, thật sự thông minh và hài hước nên bắt đầu nhìn anh bớt dần vẻ xa cách.
Thỉnh thoảng, bọn trong lớp cũng chọc hai đứa vì thấy anh “chăm sóc” tôi hơi kỹ. Nhưng rồi ai cũng nhún vai: Làm sao một người như anh lại có thể yêu tôi? Đó chỉ có thể là lòng thương hại. Hoặc tử tế hơn, là sự hào hiệp, như một thứ trang sức cho vẻ bên ngoài quá hoàn hảo của anh.
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình tôi nằm trong một con hẻm nhỏ. Những buổi sáng, anh đi học sớm, nấp sau gốc cây xà cừ phía bên kia đường. Rồi làm như vô tình, khi tôi cùng với chiếc xe đạp vừa ló ra khỏi con hẻm, anh lên xe, rồ ga tới. Anh nói tôi vô cất xe để anh chở vì cùng đường.
Nhưng tôi bướng bỉnh lắc đầu: “Bạn cứ đi trước! Mình đi từ từ cũng tới!”. Anh đành rè rè chạy bên cạnh, với những câu chuyện trên trời dưới biển. Tuy vậy, cái cách diễn đạt hài hước khiến tôi cười mệt nghỉ và con đường dường như ngắn lại.
Một ngày, hai ngày. Cuối cùng, tôi chịu ngồi lên sau chiếc xe tay ga của anh. Từ đó, vào những ngày gió (mà ở thành phố này ngày nào chẳng có gió!) tôi không phải vừa đạp xe vừa thở hồng hộc nữa.
Tôi đậu đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, còn anh đi du học tự túc. Hôm tiễn anh ở sân bay, anh nhìn tôi đăm đắm: “Trâm có thể hứa... là... là Trâm sẽ chờ Quang trở về? Quang... Quang sẽ chăm sóc Trâm suốt đời...”. Tôi quay đi, cười buồn: “Mình cám ơn Quang lắm! Nhưng... mình đã có bạn trai rồi!”.
Ánh mắt anh dại hẳn đi và giọng nói như tắc nghẹn: “Thật... sao? Ai... Ai là người hạnh phúc thế hả Trâm?”. Tôi khoác tay, cười lảng: “Rồi Quang sẽ biết...”.
Nhìn theo dáng anh cúi đầu buồn bã đi vào khoang dành cho khách, lòng tôi tê buốt. Giá như giờ anh biết được điều này: Sẽ chẳng ai thay thế được anh trong trái tim tôi bởi sẽ chẳng có chàng trai nào chu đáo, tận tình và yêu tôi như anh. Nhưng anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc với một cô gái khác, toàn vẹn hình hài chứ không phải là tôi...